Tổng số tiền mà Anh và EU dự kiến tung ra để trợ giá năng lượng cho người dân và doanh nghiệp đã lên hơn 500 tỷ USD.
Chính phủ Anh vừa xác nhận kế hoạch trợ cấp chi phí năng lượng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp, nhằm ngăn nền kinh tế đóng băng trong mùa đông này. Các nhà phân tích cho biết kế hoạch của Anh có thể lên tới 150 tỷ bảng (172 tỷ USD). Cộng với các dự định chi tiêu được thông báo gần đây ở các nước EU, tổng số tiền châu Âu tung ra đã lên tới hơn 500 tỷ euro (500 tỷ USD), theo CNN.
Bắt đầu từ tháng 10, một hộ gia đình trung bình ở Anh sẽ chỉ phải trả không quá 2.500 bảng (2.880 USD) cho chi phí năng lượng trong hai năm tới. Chính phủ cũng sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức từ thiện và cơ quan công lập trong sáu tháng tới, thậm chí lâu hơn.
"Vì chương trình không nhắm cụ thể đến những người cần nhất mà bao phủ trên diện rộng, nó sẽ tương đối tốn kém", Salomon Fiedler - nhà phân tích tại ngân hàng Berenberg nhận xét. Chỉ riêng việc hỗ trợ các hộ gia đình có thể tốn khoảng 100 tỷ bảng, tức hơn 4% GDP của Anh.
Hiện tại, chi phí năng lượng trung bình hàng năm của một hộ gia đình Anh đã tăng 54%, lên 1.971 bảng (2.263 USD). Nếu không hỗ trợ, chi phí sẽ lên trên 3.500 bảng vào tháng 10 và thậm chí còn cao hơn vào đầu năm sau. Các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với mức tăng chi phí lớn hơn. Nhiều công ty đã thông báo rằng không thể sống sót qua mùa đông.
"Cái giá của việc không hành động sẽ lớn hơn nhiều so với chi phí của sự can thiệp", Bộ trưởng Tài chính Anh Kwasi Kwarteng cho biết.
Thay vì tăng thuế doanh nghiệp, Thủ tướng Anh Liz Truss chọn cách tăng vay nợ. Kế hoạch này có thể khiến các nhà đầu tư lo ngại rằng tài chính của đất nước không bền vững. Việc này sẽ làm dấy lên nguy cơ các nhà đầu tư bán phá giá đồng bảng Anh, vốn đã giảm xuống mức thấp nhất trong 37 năm.
Một kỹ sư FGSZ - công ty vận chuyển khí đốt của Hungary, làm việc tại một van đường ống dẫn khí đốt. Ảnh: AP
Một kỹ sư FGSZ - công ty vận chuyển khí đốt của Hungary - làm việc tại một van đường ống dẫn khí đốt. Ảnh: AP
Bruegel, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Brussels, tháng trước cho biết Liên minh châu Âu và Anh đã cam kết chi 280 tỷ euro (280 tỷ USD) để bảo vệ người tiêu dùng khỏi giá năng lượng tăng vọt. Các động thái hỗ trợ xuất hiện từ tháng 9/2021, nhưng phần lớn được tung ra sau khủng hoảng Ukraine, do xung đột khiến giá khí đốt và dầu mỏ tăng vọt.
Hôm 4/9, Đức công bố gói 65 tỷ euro (65 tỷ USD) giúp các hộ gia đình và doanh nghiệp trang trải chi phí năng lượng. Áo hôm 7/9 thông báo sẽ đóng băng giá điện từ tháng 12 năm nay đến tháng 6/2024 bằng gói trợ giá 4 tỷ euro (4 tỷ USD).
Tuy nhiên, các chính phủ châu Âu có thể cần phải hành động nhiều hơn nữa khi mối quan hệ năng lượng với Nga ngày càng căng thẳng. Hôm nay, các bộ trưởng năng lượng của EU tổ chức một cuộc họp khẩn cấp, thảo luận về nhiều biện pháp khác nhau, bao gồm cả ý tưởng áp trần giá khí đốt Nga.
"Chúng ta phải cắt giảm nguồn thu của Nga", Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói hôm 7/9. Những quan chức ủng hộ quan điểm của bà cho rằng dòng khí đốt ngày càng thu hẹp khiến lựa chọn này trở nên khả thi và ít rủi ro hơn. Tỷ trọng khí đốt Nga trong tổng nhập khẩu của EU đã giảm từ 40% trước chiến sự xuống còn 9% hiện nay.
Tuy nhiên, một số quốc gia thành viên, như Hungary, Slovakia, Áo và Czech, vẫn phụ thuộc nhiều vào Nga. Do vậy, họ có thể phải vật lộn tìm nguồn cung nếu Moskva trả đũa quyết định áp trần giá khí đốt của EU. Thiệt hại cũng sẽ nhanh chóng lan ra.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde cảnh báo eurozone có nguy cơ rơi vào suy thoái nếu Điện Kremlin ngừng cung cấp hoàn toàn khí đốt. "Chúng tôi không coi đây là biện pháp thích hợp để hạ giá năng lượng", quan chức một quốc gia phụ thuộc vào khí đốt của Nga nói với Euronews.
Trong khi đó, một nhà ngoại giao khác nhận định ngay cả những nước đồng ý với kế hoạch áp trần "cũng nghĩ rằng đó không phải là một con đường dễ dàng".
Một nhóm quốc gia gồm Italy và Bỉ còn kêu gọi áp trần giá với tất cả nguồn khí đốt nhập khẩu vào châu Âu, bao gồm cả khí hóa lỏng (LNG). Chủ tịch Ursula von der Leyen cho biết đang xem xét ý tưởng này, nhưng cảnh báo LNG đang "khan hiếm" và có thể dễ dàng được chuyển đến các khu vực khác, chủ yếu là châu Á, nơi có nhu cầu rất lớn.
Một nhà ngoại giao từ Trung Âu thì thừa nhận ý tưởng áp trần giá khí đốt không được sự ủng hộ của đa số thành viên EU. Nó có thể sẽ bị hủy bỏ vào cuối cuộc họp hôm nay.